Giá trị dinh dưỡng của Sen

Sen là một loài hoa đẹp cả hương lẫn sắc, được trồng ở nhiều nơi trong nước ta, hái sen vào mùa thu, các tháng 7, 8, 9. Hạt Sen và ngó Sen không chỉ là nguồn thực phẩm trong cuộc sống hàng ngày của con người mà chúng còn là những vị thuốc quý trong Đông y.

Sen là loài cây mọc dưới nước, thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được. Lá (gọi là liên diệp) mọc trên mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ. Tràng gồm nhiều cánh màu hồng hay trắng một phần. Trung đới mọc dài ra thành một phần hình trắng thường được gọi là gạo sen dùng để ướp chè. Nhiều lá noãn rời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược gọi là gương sen hay liên phòng. Quả (thường gọi là hạt sen) chứa một hạt (liên nhục). Hai lá mầm dày, chồi mầm (liên tâm) gồm 4 lá non gập vào phía trong.

Công dụng

Bông sen, lá, củ, hạt sen… đều dễ dàng chế biến thành những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn là vị thuốc.

Lá Sen phơi khô, thái nhuyễn dùng nấu cháo với đường cát, có tác dụng thanh nhiệt, trị cảm sốt, say nắng, giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol máu. Dịch tiết từ lá sen có thể điều trị hội chứng rối loạn lipid máu, giúp máu lưu thông, tăng cường sức khỏe.

Hạt Sen là nguồn thực phẩm dùng để chế biến nhiều món ăn ngon có giá trị dinh dưỡng cao như: Sữa hạt sen, Chè Sen, Mứt Sen, Chè hạt Sen Long nhãn, Thịt gà hầm hạt Sen, Móng giò hầm hạt Sen…

Trong 100g hạt Sen tươi có 9,5g protit, 30g glucid, cung cấp cho cơ thể được 162calo. Ngoài ra còn có các vitamin: caroten, vitamin B1 (0,17mg%), vitamin B2 (0,09mg%), vitamin PP (1,7mg%), vitamin C (17mg%)…

Trong 100g hạt Sen khô có 20g protit, 2,4g lipit, 58g glucid, cung cấp cho cơ thể 342 calo, và một số muối khoáng quan trọng: canxi (89mg%), photpho (285mg%), sắt (6,4mg%)…

Ngoài giá trị dinh dưỡng, hạt Sen còn là một vị thuốc quý với tên “Liên tử”, được Đông y dùng chủ yếu làm thuốc bồi dưỡng cơ thể và chữa các bệnh mất ngủ, thần kinh suy nhược. Liều dùng mỗi ngày 20 – 30g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Trong thực tế, hạt Sen còn được dùng phối hợp với nhiều vị thuốc trong các đơn thuốc bồi dưỡng cơ thể thường dùng. Ngoài ra, trong nhiều sách thuốc cổ còn nói đến tác dụng chữa lỵ của hạt Sen (hạt Sen để nguyên cả vỏ sắc uống ngày 10 – 12g).

Các món ăn chế biến từ hạt Sen có nhiều nhưng phổ biến nhất vẫn là chè Sen – một món ăn ngon đồng thời là một bài thuốc bổ có tác dụng bồi dưỡng cơ thể và an thần, giúp giấc ngủ ngon hơn.

Tim Sen (mầm xanh) là một vị thuốc hay với tên gọi “Liên tâm” có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hạ huyết áp, cầm máu… dùng để chữa các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, mất ngủ hay hồi hộp, đau ngực, nhịp tim nhanh, tâm phế mãn, thổ huyết, cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ ôxy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành. Dân gian dùng Liên tâm để chữa mất ngủ, liều dùng mỗi ngày 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc hoặc pha lấy nước uống như pha trà.

Với bệnh lý thiểu dưỡng cơ tim (còn gọi là thiểu năng mạch vành) – thường gặp trong bệnh lý vữa xơ động mạch. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và những người có rối loạn nhóm mỡ trong máu. Với kinh nghiệm dân gian, việc dùng bông sen và bông trang trắng với đường phèn cho người thiểu dưỡng cơ tim, bằng cách: bông sen, bông trang trắng mỗi thứ 10 gr hái về rửa thật nhẹ tay, cùng 2 gr đường phèn với một ít nước sạch cho vào tô để trong nồi cơm vừa cạn nước. Lấy ra dùng sau bữa cơm trưa và tối.

Ngó sen cũng là một thức ăn đồng thời là vị thuốc thông dụng mang tên “Liên ngẫu”. Trong ngó Sen có đường glucoza, canxi, photpho, sắt, vitamin C, arginin, tyrosin… Nhân dân ta vẫn lấy ngó Sen ăn sống hoặc luộc ăn để ngủ ngon giấc. Các nhà Y học và Dinh dưỡng học thời xưa đều cho rằng ngó Sen có tác dụng bổ trung khai vị, thích hợp với những người cơ thể suy nhược như vừa ốm khỏi hoặc mới sinh đẻ và đã chế biến ra nhiều món ăn, chủ yếu là cháo ngó Sen để bồi dưỡng sức khoẻ. Có nhiều cách nấu cháo ngó Sen, đơn giản nhất là lấy ngó Sen già còn tươi, rửa sạch, thái nhỏ, nấu với gạo tẻ thành cháo, cho đường kính trắng vào ăn.

Tác dụng chữa bệnh của ngó Sen đã được nhiều sách thuốc cổ nói đến. Theo Hải Thượng Lãn Ông: ngó Sen vị ngọt, mát, tính hàn, kiêm tả bổ, có tác dụng cầm huyết, thanh nhiệt, trừ phiền, giã rượu. Ngó sen để sống: tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, làm hết nôn, giải khát, giã rượu, chữa các chứng xuất huyết do nhiệt. Ngó Sen chín: tính ôn, vị ngọt có tác dụng kiện tỳ, khai vị, chỉ khái, dưỡng huyết, sinh cơ, chữa vết thương lở loét lâu ngày không kín miệng… Những người yếu tỳ vị, người cao tuổi ăn ngó Sen chín rất tốt.

Ngó Sen còn được dùng để chữa một số bệnh sau:

+ Chữa xuất huyết: lấy 10 ngó Sen, giã nát lấy nước, thêm ít đường đỏ, đun lên uống ngày hai lần sáng và tối. Bài thuốc này dùng chữa các chứng xuất huyết thông thường như chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu… có tác dụng tốt, thường chỉ dùng khoảng 10 ngày bệnh sẽ hết.

+ Trường hợp xuất huyết đường tiêu hoá có thể lấy nước ngó Sen và nước ép Củ cải, mỗi thứ 20ml, trộn đều uống ngày hai lần, liên tục trong nhiều ngày. Cũng có thể kết hợp ngó Sen với đường và mật ong uống dần. Cách làm như sau: Lấy 1500g ngó Sen tươi, thái thành sợi nhỏ, cho vào túi vải xô sạch vắt kiệt lấy nước. Cho nước ngó Sen vào nồi, hoà thêm 200g đường đỏ, đun to lửa cho sôi rồi chuyển sang đun nhỏ lửa thành cao, cho thêm ít mật ong, để nguội, đổ vào chai hoặc lọ dùng dần. Uống mỗi lần một thìa canh (15ml) với nước đun sôi để ấm, ngày ba lần theo bữa ăn.

+ Chữa nôn: lấy 30g ngó Sen sống, 3g Gừng sống, giã nát cả hai thứ vắt lấy nước, chia làm hai lần uống trong ngày

VinaOrganic Tổng hợp

[sc:Address]

Chia sẻ ngay!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *